Phong cách Mid–century “kẻ mộng mơ” dạo chơi giữa ranh giới cổ điển và hiện đại

436 lượt xem - 2 năm trước
1 bài trải nghiệm

Hình thành từ những năm 1940 – 1970 của thế kỷ trước, Mid-century là sự giao thoa giữa cũ và mới đặc trưng bởi thiết kế hiện đại cộng hưởng chút cổ điển từ thiên nhiên rất được ưa chuộng bởi khả năng khẳng định chất "gu" và một lối sống giàu trải nghiệm tinh thần.

Một không gian đặc trưng của Mid-century từ bố trí không gian chức năng, nội thất, ánh sáng, họa tiết,...

Bản giao hưởng ánh sáng

Cũng như các phong cách thiết kế khác, ánh sáng chính là “linh hồn” của Mid-century. Ngoài ánh sáng thiên nhiên là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thiện tổng thể căn nhà thì bố trí cửa sổ và lắp đặt kính để đón ánh sáng cũng là điều kiện tiên quyết để sắp xếp nội thất, màu sắc và tỷ lệ không gian một cách hoàn hảo đúng tinh thần Mid-century.

Đèn trong không gian Mid-century nhấn mạnh vào chi tiết đường thẳng, hình học hoặc đường viền tròn, cong. Các mẫu thiết kế đèn trần phổ biến trong phong cách Mid-century là những bóng đèn không có chụp ngoài, được gắn trực tiếp vào vách hoặc trần nhà.

Mẫu đèn trần cân bằng ánh sáng và trang trí trong không gian

Đèn trong phòng hầu hết các loại đèn có chân làm bằng kim loại.

Thiết kế nội thất tối giản đề cao hiệu ứng “đón sáng” 

Nội thất theo phong cách Mid-century có khuynh hướng cũ kỹ và trần trụi trong kiểu dáng lẫn cách chế tác. Chính điều này đã tạo nên điểm mấu chốt của Mid-century và được truyền lại từ bao thế hệ và trở thành “di sản” - đặc trưng riêng của bản thân nó. Tuy nhiên, để sở hữu những món nội thất thực sự mang hơi thở Mid-century, bạn cần trang bị cho mình những am hiểu về kiến trúc đương đại và đừng bỏ qua sở thích sưu tầm đồ cổ.

Một không gian bếp "di sản" theo phong cách Mid-century

Với Mid-century, những chi tiết nội thất trang trí cầu kỳ hay họa tiết trên vải, nệm được tối giản hết mức nhường chỗ vẻ đẹp nguyên khối mộc mạc. Bởi vậy, nội thất Mid-century đặc trưng qua các cấu trúc bằng gỗ (cũng có thể bao gồm sợi thủy tinh hoặc kim loại) đường nét mạnh mẽ và thường chỉ có một hoặc hai màu trơn.

Ngoài ra, để có một không gian “chuẩn Mid-century”, bạn nên lưu ý chọn nội thất nhỏ gọn nhưng phải gấp đôi công năng sử dụng như vừa phục vụ sinh hoạt hằng ngày đồng thời có thể trang trí. Đây là cách tránh sắp xếp quá nhiều vật dụng nội thất làm rối không gian hoặc mất cân đối mảng màu chủ đạo của Mid-century

Đồ nội thất mang phong cách Mid-century được ví như những tác phẩm nghệ thuật trang trí

Đặc biệt, các đồ nội thất thống nhất còn là cách hữu hiệu để “cơi nới” về mặt thị giác và dễ dàng nhường chỗ cho những thiết kế đặc trưng tạo hiệu ứng “đón ánh sáng” - nét đặc trưng của phong cách Mid-century.

Nguồn cảm hứng bất tận từ thiên nhiên

Có một dòng chảy thiên nhiên xuyên suốt các không gian của Mid-century. Các mảng xanh theo phong cách này thường là các cây ưa ẩm, thích hợp trồng trong nhà vừa tạo cho không gian thêm xanh mát, vừa là điểm nhấn cho tổng thể căn phòng.

Màu xanh thiên nhiên trong không gian phòng khách

Ngoài ra, một phần cơ bản trong phong cách Mid-century là các gam màu ấm chủ đạo lấy cảm hứng từ tông nâu gỗ nhẹ nhàng. Để tạo nên sự sống động cho căn phòng, quy tắc phối màu cho lối kiến trúc này dễ nhận thấy trong tư duy chọn tông màu trầm, ấm, nhẹ nhàng pha chút sắc sáng, đậm, táo bạo của những tông màu lạnh, màu nổi để làm nổi bật cho không gian có khả năng tạo ấn tượng tốt (lạc quan) cho người nhìn về mặt thị giác.

Mid-Century có xu hướng kết hợp những tông màu tối trung tính với điểm nhấn là các màu tươi

 Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã có những kiến thức cơ bản về phong cách Mid-century. Bạn đã sẵn sàng thiết kế cho mình một không gian rất “Mid-century và tôi” chưa?

TOP